Tranggy
Ông tôi có thể phong biệt danh "chuyên gia" cho bất cứ ai: bác tôi khi đi làm về hay càu nhàu thì bị ông phong là "chuyên gia nhăn", bà ngoại hơi tí là hoảng lên thì bị ông giễu là "chuyên gia la oai oái", còn tôi - rất cứng đầu cứng cổ - thì ông hay cốc đầu gọi là "chuyên gia lì." Riêng mình, ông có rất nhiều danh hiệu: nào là chuyên gia giặt quần áo, chuyên gia rửa bát, chuyên gia xe ôm cho chị em chúng tôi. Ngay cả những chuyện không ai muốn rớ tay vào, ông cũng làm chuyên gia được, chẳng hạn như chuyên gia dọn ống cống, chuyên gia cọ nồi, chuyên gia lắng nghe và vỗ về mỗi khi bà ngoại lên cơn giận - mỗi trận dài, bất thường và dấm dẳng như mưa hè. Chẳng thế mà cả nhà tôi, càng ớn bà ngoại thì càng nể ông ngoại. Thì chỉ có ông mới trị được bà, mà bao giờ cũng vui vẻ đáp ứng nguyện vọng của chúng tôi mà lị!

Ông thường hay xoa đầu tôi bảo, mày là có nhiều kỷ niệm với ông bà nhất. Cũng đúng, ông bà nuôi tôi từ nhỏ, mãi đến năm 1998 lúc tôi 12 tuổi, bà sợ lạnh kéo ông chuyển vào Sài Gòn ở thì tôi mới bắt đầu sống với mẹ. Ông rất thương tôi - một kiểu thương "đầu hàng" rất khác với bà. Ông thường hay giấu bà dẫn tôi đi ăn cháo lòng và cua luộc - hai món tôi mê mẩn mà bà chê là "đồ dơ" ngoài đường. Những năm 90, ông góp nhặt tậu được chiếc xe mô-kích của Nga đỏ chói, bình xăng to đùng chễm chệ trước yên lái. Tôi là đứa cháu đầu tiên được ông kê lên bình xăng, chở chạy lòng vòng khắp Hà Nội chơi, và rẽ vào Tràng Tiền ăn kem ốc quế. Sau này, khi ông tậu được con xe Dream êm ru, tôi cũng là đứa đầu tiên được tõm lên yên xe, lò mò cùng ông đi khắp các tiệm sách cũ Hà Nội để truy tìm những quyển tiểu thuyết ố vàng không còn tái bản...

Khác mẹ hay bà, ông không vặn vẹo hỏi han, cũng không bàn lùi những chuyện tôi muốn làm. Ông chỉ lẳng lặng đáp ứng mọi yêu cầu của tôi bằng vỏn vẹn hai chữ "Được thôi!" Và mỗi lần tôi khoe với ông kết quả - điểm 10, rồi giải thưởng Quốc Gia, chuyến đi Phillipines, học bổng Mỹ - ông lại thích chí vỗ đùi đánh đét và chà chà tự hào, "Thu Trang mà lị, có phải đùa đâu!"

Ông chưa một lần giận tôi - hay làm tôi giận. Thực ra ông chính là "đồng loã" của tôi trong những cuộc "nổi dậy" chống lại sự kìm kẹp của bà và mẹ. Chẳng hạn như chuyện của dì Tám, cháu gọi bà ngoại tôi là cô. Tôi rất quý dì Tám. Hồi nhỏ dì hay tới chơi với tôi, dẫn tôi đi mua kẹp tóc, dạy tôi hát và nấu cà ri gà cho tôi ăn. Dì hơn tôi năm, sáu tuổi, trẻ và vui nên tôi rất thích đi theo dì tầm sư học đạo. Vài năm trước, dì có xích mích gì đó với bà ngoại - chỉ một câu nói phật lòng thôi - thế là bà cấm cửa dì, không cho bao giờ lại nhà nữa. Ba năm trôi qua, ngay khi dì lấy chồng, sinh con, hai cô cháu vẫn không hề gặp mặt nhau làm lành. Hè khi tôi về chơi, ông liền sắp đặt giấu bà dẫn tôi đi thăm dì - cũng như ngày xưa còn bé ông hay giấu bà mua truyện tranh cho tôi đọc, hay đưa tôi đi chơi đây đó. Với một đồng loã trunh thành như thế, tôi làm sao có thể giận được! Thế nên, tôi có thể phản ứng quyết liệt lại những cáu gắt chửi mắng của bà và mẹ, nhưng không bao giờ có thể lên gân với ông. Biết thế, ông cười khoái trí bảo tại vì ông là chuyên gia có tình có lí. Còn tôi và mẹ và bà - thực ra thì đều từ một khuôn mà ra cả, thế nên con nhà tông không giống lông thì cũng phải giống cái bướng bỉnh thôi!

Lên cấp 2, tôi mới biết thực ra ông không phải là ông ruột của tôi. Ông ruột của tôi mất trước khi tôi sinh ra, vì vấp phải một quả bom chìm khi xung phong đi gỡ mìn sau chiến tranh. Ông Phong (ông tôi bây giờ) là bạn cùng quê với bà từ hồi còn nhỏ xíu, tình cờ gặp lại sau chiến tranh trên một chuyến tàu về thành phố. Bà kể, hôm đó mẹ tôi sốt rất cao, bà lại phải về báo cáo nhận công tác. Nhân gặp ông trên tàu, bà nhờ ông đưa mẹ về trước, và cảm động thấy ông chăm sóc mẹ rất cẩn thận. Mẹ và bác tôi thì kể là hồi đó, hai người rất ghét ông, vì tính ông rất cục, làm gì cũng ngay lập tức, hùng hục, không lần chần nhân nhượng bao giờ. Còn ông, ông hay nằm vắt trán lơ đãng bảo tôi rằng, ngày xưa bà tôi rất đẹp, đẹp nhất cái xã Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Bà lại là con nhà quan, ông cố có hẳn xe đò cho người ta thuê lái. Còn ông thì con nhà một ông giáo nghèo, ngày ngày đạp xe theo xe đò chở bà đi học. Sau khi lấy nhau, bà nhất quyết không chịu có thêm con vì sợ cảnh "con anh, con tôi" sau này. Thế nên ông không có con ruột - nhưng chúng tôi không ai, không một ai, có thể chối đẩy rằng ông chính là ông ruột của chúng tôi.

Nôen 2006 về thăm nhà, tôi giật mình thấy ông gầy đi rất nhiều. Da ông vẫn đen cháy khoẻ mạnh, nhưng gò mà ông đã hốc lại. Đã 73, ông vẫn lái xe máy vù vù đi chợ, nhưng răng ông đã phải nhổ gần hết một hàm và làm răng giả. Mỗi lần ra khỏi nhà, ông không bao giờ quên cầm theo mũ, khẩu trang và một chai nước cho chúng tôi giải khát - thế nhưng ông luôn luôn quên hàm răng giả của mình, để em họ tôi phải chỉ vào cái miệng rỗng không của ông la toáng lên ông mới hấp tấp quay xe lại. Thế cũng không lạ - thế mới đúng là ông tôi.

Nôen 2006 - khi tiễn tôi ra sân bay, mắt ông bỗng dưng nheo nheo, cái miệng rỗng không hơi há ra, quăn lại giật giật. Những nếp nhăn của ông cuồn cuộn trào lên - hình ảnh một lão Hạc bất lực và yếu đuối của Nam Cao khi bán con chó Vàng quý báu của mình. Ông khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông khóc, như một bộ phim quay chậm, méo mó, ngạt thở đến vỡ tim. 30 tiếng sau đó suốt quãng đường qua Mĩ, và ngay lúc này đây, mỗi lần tưởng tượng lại gương mặt nhàu nhĩ, giật giật của ông, tôi lại trào nước mắt. Cũng dễ hiểu thôi - tôi là một đứa hay mít ướt - và hơn nữa, ông là tuổi thơ của tôi. Hồi cấp 1, khi tôi bị một thằng nhóc lớn hơn đuổi đến mức ngã chảy máu hết hai đầu gối, ông đã xách tai nó lại bắt nó phải vòng tay xin lỗi tôi. Tôi lớn lên trước hết trên yên xe của ông, rướn cổ háo hức nghe ông kể những câu chuyện làm súng, hút thuốc phiện với dân Mèo thời bộ đội. Tuổi thơ của tôi là dám láo toét xoa xoa cái đầu hói gần hết của ông, trêu trọc sao da ông đen trũi. Và ông luôn đáp tỉnh bơ, "Da đen mà đời đỏ thì mới tài chứ!"

Ông của tôi - với lòng bàn tay đầy chai và những móng chân gập gẫy, với những chiếc răng khập khiễng và lung lay - ông là định nghĩa gia đình của tôi. Ông là xe máy, là đường Giải Phóng, là chiều ba mươi Tết, là vỉa hè, là gạo chín thơm lừng. Ông là cảm giác vững chãi, là xót xa, là nỗi nhớ nhà, là thời gian. Là sợi dây chặt nhất sẽ kéo tôi luôn luôn quay trở lại...
Labels: , , | edit post
0 Responses