Tranggy

Đã lâu lắm rồi không viết blog bằng tiếng Việt, cũng như đã lâu lắm rồi không trằn trọc nửa đêm thèm cháo tim gan tía tô đầu ngõ, không tần ngần những câu văn Dumas, những nốt nhạc Sô-panh hay hoài cổ những Trịnh Công Sơn. Cuốn vào những bon chen của luận án, việc làm, những yêu đương chộn rộn, tôi đã lâu lắm rồi không còn biết nhớ, biết tương tư, biết tiếc. Thật lạ, khi mà tôi đã dành 15 năm thấm thía một tiếng "tiếc" để rồi trong vòng 5 năm sau đó tìm mọi cách xoá đi bài học thời thơ ấu. Trong phong cách sống của Mĩ - thứ mà ông ngoại thường hay gật gù gọi là "cách sống công nghiệp" - cái nuối tiếc không có chỗ. Nói đúng hơn, cái sự tiếc, hắn quá tốn kém: tốn thời gian, tốn tư duy, tốn trí nhớ, tốn ngủ. Cái đời sinh viên, chỉ cầu được ngủ cho đủ, ai mà dám chi ra chừng ấy thời gian để mà tiếc. Rồi đến lúc đi làm, từng giờ từng giờ tranh nhau tính vào hoá đơn khách hàng, tiếc trở nên quá tốn tiền, quá nhiều "opportunity cost." Tôi sợ rằng mình sẽ chẳng còn lúc nào mà ngồi thần ra hàng giờ, bó gối, gục đầu vào hai bàn tay để mà nhớ, để mà tương tư, để mà tiếc nữa. Vậy nên... còn hôm nay, còn giây phút này, sẽ hoang phí mà dành cho nuối tiếc vậy.

Có quá nhiều thứ để mà nhớ - tương tư- tiếc. Giống như lôi ra cái ngăn kéo lộn xộn của trí nhớ, tanh bành khắp nơi những mẩu kỷ niệm, chằng biết bắt đầu sắp xếp như thế nào. Thôi thì lôi được mẩu nào ra thì dọn mẩu đấy vậy. Này thì, những quá khứ đê huề...

Từ bé tôi đã mê văn, chắc chắn là từ khi mò mẫm được quyển Ba Người Lính Ngự Lâm đầy bụi và mọt trên gác xép của ông bà ngoại. Cả mùa hè tôi dí mắt kính đít chai vào những dòng chữ ố vàng, nào những đấu kiếm trên các cầu thang bí mật của điện Louvre, nào những nụ hôn vụng trộm chập choạng tối ở các cửa ô Paris, nào những đam mê và vỡ mộng. Bị đầu độc lãng mạn thế còn chưa chừa, suốt năm học tôi nướng tiền ăn sáng vào các tiệm sách cũ, chồng chất vào đầu các kiểu Ivanhoe, Đông Ki Sốt, Robin Hood, Tứ Quái TKKG. Tivi thì toàn Sinbad Thuỷ Thủ 7 Đại Dương, Bố Già, Vòi Bạch Tuộc. Thời thơ ấu của tôi là thế, đê mê trong các kiểu phiêu lưu, mơ mộng gặp đủ các kiểu người, ám ảnh sống lăn lóc trong các kiểu xã hội. Năm 10 tuổi tôi bắt đầu cuốn tiểu thuyết đầu tay, nguệch ngoạc ngòi bút tím trên những dòng kẻ ô li về công chúa này, rô bốt kia, phù thuỷ nọ. Đến khi tôi tốt nghiệp cấp 2, cuốn "tiểu thuyết" không ai đọc ấy đã ngót ngét 5000 trang giấy phổ thông, chứng kiến nét bút tôi chuyển đổi từ to kềch sang lăn tăn va giọng văn tôi khấp khiểng theo nhiều dòng ảnh hưởng. Cốt truyện chẳng đâu vào đâu, vì tôi mắc bệnh ba phải: sau khi đọc xong "Thời Thơ Ấu" của Marxim Gorki thì tôi hứng lên viết văn nội tâm; sau khi xem xong tập mới Ngũ Quái Sài Gòn thì tôi hung hăng lái hướng truyện về lũ trẻ em đường phố. Tiêu hao bao nhiêu mực giấy và lời mẹ la mắng "Sao mày không học bài toàn viết nhăng viết cuội" thế mà truyện vẫn còn dang dở. Cô công chúa Promina đã qua mấy đời tương tư mà vẫn chưa tìm được người yêu. Đến hè 2001, thi tốt nghiệp cấp 2 xong tôi không kèn không trống lê thê sang Mĩ, vứt bộ truyện trường kì lại trên gác xép. Hơn 5 năm rồi, tôi đã quên bẵng mình viết những gì, quên cả cái cảm giác thâu đèn giữa đêm viết say sưa như một Dumas trẻ thực thụ. 5 năm qua tôi đã gõ hơn 5000 trang bài vở, luận án, resume... nhưng có lẽ không bao giờ có thể viết với nhiều hưng phấn như 10 năm trước, loay hoay bơm mực Thăng Long để rồi nắn nót miêu tả nếp áo hay mái tóc của một cô công chúa ảo ảnh. Và... tôi tiếc.

Mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, tôi lại nhớ ba - có đúng hai kỷ niệm. Kỷ niệm thứ nhất là một đêm mùa đông, hai mẹ con tôi khi ấy còn sống ở khu tập thể E3 ở Bách Khoa, cái căn hộ hai phòng mà ông ngoại dành dụm cho. Tầng dưới nhà ông giữ xe có một dàn nhót rất sai quả, mỗi lần theo mẹ đến lấy xe bao giờ tôi cũng cố nhón chân nhón tay lên để hái trộm. Trước cửa nhà tôi có một cây hoa giấy, hồng ngần ngần, tôi và chị Tú hàng xóm hay hái hoa, xé ra cho vào nồi chảo nhựa bé xíu giả chơi đồ hàng. Năm ấy tôi vẫn còn học mẫu giáo. Đúng 7 giờ, chương trình Bông Hoa Nhỏ chiếu hình tôi múa cùng đội thiếu nhi trên Cung Văn Hoá. Đang ăn cơm, tôi mừng quá nhảy cẫng lên, làm đổ cả bát đang và dở. Mẹ từ trong bếp chạy ra, bực mình, thẳng tay tát làm tôi khóc nức. Đúng lúc ấy, chuông cửa reo. Mẹ tôi ngấp ngó hỏi, "Ai đấy?" "Anh đây!" Ba về! Hơn một năm rồi ba đi xa, bỗng dưng về không báo trước. Mẹ quệt nước mắt tôi, lau qua quýt tấm thảm, rồi hai mẹ con tức tưởi chạy ra mở cổng. Ba ôm một cái hộp giấy rất to, xoa đầu tôi cười mãn nguyện, "Đầu đĩa băng đấy!" Mẹ con líu ríu đón ba vào căn hộ. Nhà Tú bên cạnh thấy động hé cửa nhìn, tôi khoe với Tú, "Này nhà tớ có đầu đĩa băng nhé!" Mẹ cau mày véo vào tay tôi. Như mọi khi tôi chắc đã rơm rớm nước mắt. Nhưng hôm nay ba về... Kỷ niệm thứ hai, tôi nhớ rất rõ bóng ba đứng ngoài cửa, đầu đội mũ cối. Ba chìa tay qua song sắt ôm tôi, bảo, "Tuần sau ba sẽ về đưa con đi ăn đám cưới cô chú H. nhé." Tôi lúc đấy chắc khoảng 4, 5 tuổi. Tôi rất thích đi ăn đám cười, để được các bà răng nhuộm đen hay các ông đầu hói đội mũ bêrê chuyền tay cho quà. Thế nên tôi háo hức đợi ba về. Thế nhưng ba không về. Ba đi luôn. Chỉ còn mẹ cáu kỉnh dang tay tát, chỉ còn bà ngoại nước mắt ngắn dài than thở sao đời tôi sẽ khổ, chỉ còn đầu máy nhiễm bẩn chạy băng đứt quãng. Hơn 8 năm sau tôi mới gặp lại ba. Và... tôi tiếc.

Hai tuần trước, sau khi phê luận án về đạo Hồi ở Malaysia, tôi lững thững lôi google video lên giải trí - và tự dưng vấp phải cả bộ Bản Tình Ca Mùa Đông. Bộ phim Hần Quốc này đã cũ lắm rồi, bọn bạn tôi đã xem hết từ những năm 2002, và đã xong cái quãng đời rú rít "Bae Yong Joon!" Còn tôi, năm 2002 tôi vẫn còn hoang mang tìm đường bắt xe buýt ở New Orleans về nhà hay gãi đầu trước gương hàng giờ tập thi diễn văn. Năm 2002 tôi quên bẵng những ám ảnh tuổi thơ về Won Bin hay Bae Yong Joon hay hoàng tử Williams để ám ảnh hoà nhập vào cuộc sống Mĩ. Thế nên, tôi muộn mất 4 năm trong dòng đời Việt Nam. Mãi đến khi 2007 sắp gõ cửa tôi mới tìm lại được cái rú rít ôi Bae Yong Joon, rồi những lãng mạn và khóc lóc thật thường tình khi xem phim Hàn Quốc, rồi những mơ mộng vẩn vơ khi cuộc tình thời thơ ấu được nối lại... Thế nhưng, mối tình đầu của tôi đã qua rồi, và những cái lãng mạn lăng xê bởi phim Hàn Quốc đã không bao giờ đến. Và... tôi tiếc.

Và tôi rất tiếc - tiếc rằng thời thơ ấu đã qua, mối tình đầu đã qua, rằng tôi đã thấm thoắt 20 tuổi rồi mà tiểu thuyết đầu tay của tôi vẫn chưa thành. Thế nhưng, bù lại, tôi đã đi du lịch năm châu - đúng như tôi tưng mơ ước; tôi sẽ làm việc tại một công ty tư vấn luật kinh tế ở New York thành phố không biết ngủ - đúng như tôi từng mơ ước. Và mặc dù tôi không yêu ướt át như Bae Yong Joon trong phim Hàn Quốc, tôi rất và vẫn đang yêu - yêu đời, yêu được sống và yêu để sống.

Thế nên - tiếc nuối đối với tôi đã trở nên quá đắt đỏ. Tôi quyết định không tiếc nữa mà sẽ chuyển sang... tương tư. Tương tư từng giây phút đã qua để sống cho trọn vẹn. Sắp tới về Việt Nam, tôi sẽ vác sang Mĩ 5000 trang giấy của tuổi thơ và quá khứ, để gói lại quãng đời dang dở ấy. Nếu bạn muốn lãng phí thời gian đọc cuốn tiểu thuyết vẩn vơ này thì cho tôi biết - nào thì ta cùng ngẩn ngơ hoài cổ...

Labels: 1 comments | | edit post